CÔNG DỤNG
- Chuyên trị các loại bệnh phổ biến và nguy hiểm do nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra, khiến cho cá bị túm vây/đuôi, bơi không bình thường, hay cọ quẹt cơ thể vào các vật trong hồ, đỏ mình, tiết nhiều nhớt, trên thân xuất hiện các vệt/chấm màu trắng/xám/vàng, hoặc những chùm sợi màu trắng như bông gòn, v.v. Đây là một số biểu hiện thường thấy khi cá bị nhiễm bệnh đốm trắng Ich, nấm Velvet, Epistylis, nấm thủy mi (Saprolegnia), Chilodonella, Costia, Aeromonas, Cryptobia, giun, sán, trùng bánh xe (Trichodina), v.v.
- Sát trùng cho cá mới mua về để tránh rủi ro lây lan mầm bệnh từ cá mới sang cá cũ trong hồ.
- Phòng bệnh cho cá bầy, cá giống, cá mới ép đẻ.
- Diệt tảo trong hồ.
Một số biểu hiện thường thấy khi cá bị nhiễm nấm và ký sinh trùng:
- Ở giai đoạn đầu, cá bị ngứa mình nên bơi không bình thường, hay cọ quẹt cơ thể vào đáy hồ, cây thủy sinh, sỏi đá hoặc các vật trang trí trong hồ.
- Sau đó bắt đầu có những triệu chứng rõ ràng hơn, chẳng hạn như trên thân/đầu/vây cá xuất hiện nhiều chấm nhỏ li ti màu trắng/vàng hoặc những chùm sợi màu trắng như bông gòn; thân cá tiết nhiều nhớt màu trắng đục; màu sắc của cá nhợt nhạt hơn so với bình thường, v.v.
- Khi trở nặng hoặc rất nặng, cá sẽ bị túm đuôi/vây; bơi lờ đờ hoặc nằm bất động; thở nặng nhọc, khó khăn; ăn rất ít/bỏ ăn; da chuyển màu xám trắng/xám xanh; tuột nhớt; tróc vảy; đỏ mình, xuất huyết hoặc tệ hơn nữa là có xuất hiện thêm các vết lở loét hoặc hoại tử (thối thân, mục đuôi), v.v. Ở giai đoạn này, vì quá yếu và có nhiều vết thương hở nên cá sẽ có nguy cơ bị nhiễm thêm các loại bệnh thứ cấp khác do vi khuẩn có sẵn trong nước hồ gây ra, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn, và có thể sẽ cần phải kết hợp thêm thuốc kháng sinh (chuyên diệt vi khuẩn) với ParaKill (chuyên trị nấm, ký sinh trùng và một số loại vi khuẩn) để điều trị cho cá nếu thấy không có tiến triển sau 2 – 5 đợt dùng ParaKill.
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG
CHỮA BỆNH
CÁCH 1 (Liều tiêu chuẩn, nồng độ thấp):
- Trị trực tiếp trong hồ chính hoặc vớt cá ra thau/hồ riêng để điều trị. Nếu trị trong hồ chính thì nên thay bớt 30 – 50% nước trước khi đánh thuốc, có thể thay nhiều hơn nếu thấy hồ quá đục, mục đích là để giúp cá bệnh có môi trường sạch và tốt nhất có thể trong suốt quá trình trị bệnh.
- Lắc đều trước khi sử dụng. Nhỏ 1 giọt/2 lít nước. Chờ 24h là xong 1 đợt. Thay 20 – 40 % nước rồi bắt đầu ngay đợt điều trị tiếp theo. Lưu ý là vẫn đánh đủ liều 1 giọt/2 lít sau khi thay nước. Ví dụ hồ 10 lít, sau khi thay 2 – 4 lít nước thì vẫn nhỏ vào đủ 5 giọt.
- Điều trị liên tục 2 – 5 đợt. Thay 50 % nước khi kết thúc điều trị. Nếu trị bệnh cho cá trong thau/hồ riêng thì khi kết thúc điều trị, ta vớt cá cho trở lại hồ chính.
Cách 1 thường được áp dụng cho những ca cá bị cạ mình, lạng lách, không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, nếu gặp những loại bệnh đòi hỏi nhiều thời gian để xử lý như bệnh đốm/nấm trắng (Ich), nấm Velvet, v.v. thì chúng ta cũng dùng cách 1 và cần điều trị trong 5 – 10 ngày hoặc hơn, chia làm 3 – 7 đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 1 – 2 ngày. Trong nhiều trường hợp, có thể bạn sẽ không còn thấy dấu hiệu của mầm bệnh trên thân cá chỉ sau 1 – 2 đợt điều trị, tuy vậy, chúng ta nên duy trì đánh thuốc thêm 1 – 3 đợt nữa để phòng ngừa trường hợp mầm bệnh vẫn còn sót lại trong hồ nuôi.
CÁCH 2 (Liều đậm đặc):
- Vớt cá ra thau/hồ riêng để điều trị.
- Lắc đều trước khi sử dụng. Nhỏ 3 – 4 giọt/1 lít nước. Ngâm trong tối đa 60 phút. Sau đó vớt ra và cho vào hồ/thau nước sạch khác. Ngâm 2 – 3 lần, mỗi ngày 1 lần.
- Nếu ngâm chưa tới 60 phút mà thấy cá có biểu hiện quá stress (bơi loạn xạ, thở gấp ở mặt nước, cố nhảy ra khỏi hồ, v.v.) thì vớt cá cho qua thau/hồ nước sạch, đợi qua ngày hôm sau mới đánh thuốc lại.
Cách 2 thường được dùng cho những ca nấm bông gòn, trùn bánh xe, sán, tiết nhiều nhớt, v.v.
Điều trị trực tiếp trong hồ nuôi

Dùng thau/hồ riêng để điều trị
